Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Bài ca thống nhất

Tự do ra khơi, tự do vô lộng. Ảnh: Hoàng Anh

Nhịp thanh bình trong “Bài ca thống nhất”

Lòng người dường như chùng xuống, giãn ra sau những năm dài cả dân tộc chìm trong mưa bom bão đạn. Ca khúc độc đáo Bài ca thống nhất của nhạc sĩ Võ Văn Di khiến chúng ta xao động nhường bao.

Võ Văn Di sinh ngày 29/3/1933 tại Nghi Hải, Nghi Lộc, Nghệ An. 20 tuổi ông đã là cán bộ tuyên truyền huyện Nghi Lộc, nơi có vùng biển Cửa Lò như một vòng tay ôm trọn những con thuyền đi khơi đi lộng. Hòa bình ở miền Bắc, ông được cử đi học Đại học Văn khoa và sau nữa là trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Thử tưởng tượng một con thuyền thong dong trong những ngày này từ Cửa Lò vào thẳng Cửa Đại (Hội An) mà không bị ngăn chặn, cứ thế giong buồm tự do trôi trên biển cả trong nhịp hò khoan. Sự thật này là quá lớn sau 21 năm chia cắt.

Học xong, ông trở về xứ Nghệ làm cán bộ tuyên truyền tỉnh, phụ trách phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, thường xuyên đưa các đội xung kích tuyên truyền văn hóa đến biểu diễn tại các ụ pháo, trên những cung đường tuyến lửa Trường Sơn. Chính những năm tháng khốc liệt ấy đã ươm mầm khát vọng thanh bình trong tâm hồn ông. Và mầm cây đã vụt lớn cứng cáp thành tác phẩm Bài ca thống nhất ngay sau khi đất nước liền một dải: Biển trời quê ta/Rộn vang tiếng ca/Bắc Nam một nhà - vui một nhà vang tiếng hò khoan.

Vì sao không phải là một thi ảnh khác, mà là “vang tiếng hò khoan”? Đó chính là một bí mật của sáng tạo Võ Văn Di.

Hẳn chúng ta chưa quên. Ngay sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, mọi người từng hát vang một Quê tôi giải phóng của Văn Chung: Từ ngày giải phóng quê tôi mét-tinh lại họp a là hô hoan hô … Ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca Bắc Bộ và là bản “hòa bình ca” đặc sệt Việt Nam mà nói gọn hơn là “đặc sệt Bắc Bộ”. Cũng do lúc ấy, nước ta tạm chia làm hai miền. Bởi vậy, cảm hứng sáng tạo của Văn Chung như thế là “chuẩn không cần chỉnh”.

Nhưng đến thời điểm thống nhất đất nước, hai miền liền một dải thì tình hình lại khác. Nhạc sĩ sẽ tùy tâm trạng của mình mà cảm hứng về thời khắc lịch sử này.

Bên cạnh những khúc khải hoàn reo vui, đã có một Văn Cao với «Mùa xuân đầu tiên”: Mùa bình thường mùa vui nay đã về với tầm triết lý thật sâu sắc: Từ đây người biết quê người - từ đây người biết thương người - từ đây người biết yêu người…

Cũng lại có một Võ Văn Di thể hiện triết lý ấy bằng thơi thới một nhịp hò khoan của miền Trung làm nhịp thanh bình trong Bài ca thống nhất, là vì ông nghĩ tới việc “cần chia giới tuyến” đã “san đất bằng” như Đoàn Chuẩn từng ao ước.

Thử tưởng tượng một con thuyền thong dong trong những ngày này từ Cửa Lò vào thẳng Cửa Đại (Hội An) mà không bị ngăn chặn, cứ thế giong buồm tự do trôi trên biển cả trong nhịp hò khoan. Sự thật này là quá lớn sau 21 năm chia cắt. Lớn tới mức lấn át mọi ý nghĩ khác của nhạc sĩ. Nó buộc ông phải thốt lên hồn nhiên: Dô khoan - là khoan dô hò - là khoan dô khoan…

Âm nhạc được mô phỏng trên một cung bậc chất ngất: Biển trời xuân sang - Bắc Nam sum họp một nhà đông vui tưng bừng. Khúc khải hoàn này không rộn ràng khoảnh khắc mà đằm thắm, thấm thía: Khải hoàn ta ca - ta gạt mái chèo - tự do ra khơi - tự do vô lộng - đời tự do - gió xuân về…

Không phải Thu Hiền, Thanh Huyền mà là…

NSND Thu Hiền, người đặc biệt thành công với “Bài ca thống nhất”.

Điều thú vị về Bài ca thống nhất với riêng tôi là lần đầu tiên được nghe ca khúc này lại không phải qua giọng hát chuyên nghiệp của Thanh Huyền, rồi Thu Hiền, mà là cây đơn ca thuộc đoàn Nghệ thuật Binh chủng Thông tin: Hồng Liên. Thật tình cờ cô chính là cháu ruột tác giả. Hồng Liên vinh dự được bác Võ Văn Di của mình tập cho Bài ca thống nhất, trở thành tiết mục “đinh” của đoàn hồi ấy.

Sau Bài ca thống nhất, Võ Văn Di về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông tiếp tục có những tác phẩm âm nhạc ấn tượng như bản độc tấu violon Người anh hùng dân tộc, tứ tấu đàn dây Tiếng nhạc biên cương, bản rông-đô xô-nát (Ron do sonate) Biển quê hương dành cho ngũ tấu đàn dây và nhiều ca khúc khác.

Nhưng Bài ca thống nhất vẫn nổi bật nhất, là tác phẩm làm ra cái tên Võ Văn Di trong hàng ngũ nhạc sĩ Việt Nam thuộc thế hệ 3X đầy tự hào, đầy dâng hiến như Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Tân Huyền, Hoàng Hiệp … Nhiều ca khúc viết vào thời điểm đó dần vào lãng quên theo thời gian, nhưng Bài ca thống nhất của Võ Văn Di chắc chắn vang vọng mãi, dù tác giả của nó đã từ trần năm 2005.

Trong nhịp hò khoan thanh bình ấy, tác giả tha hồ mơ mộng những thi ảnh thật đẹp của ca từ, thật nên thơ theo giai điệu mềm như dải lụa đào: Trời tỏa nắng, nắng lan núi ngàn - một mùa đông giá băng vừa tan - bạn mình ơi đón vui xuân về hân hoan... Vâng! Biết bao cặp vợ chồng ly tán trong mùa đông dài chia cắt giờ đây đang bồi hồi đón mùa xuân sum họp.

Nguyễn Thụy Kha


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét